PGS.TS Bùi Hiền nói về bộ sách Tiếng Việt lớp 1: “Tôi thấy nhiều người chê bai, số còn lại nghiên cứu và đọc đến nơi đến chốn”
Những ngày gần đây, rất đông phụ huynh và giáo viên xôn xao về bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Bên cạnh việc cho rằng những nội dung trong SGK không phù hợp lứa tuổi của trẻ, thậm chí ngay cả việc sử dụng từ ngữ mang tính tiêu cực chứ không có ý nghĩa giáo dục. Đồng thời trong bộ sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục còn sử dụng khá nhiều từ phương ngữ khiến chính các bậc phụ huynh và giáo viên cũng cảm thấy khó hiểu. Đặc biệt việc học sinh đọc thơ vanh vách bằng ô vuông càng khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về cách học mới này.
Ngày 6/9, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp với PGS.TS Bùi Hiền. Thầy Hiền là tác giả của công trình cải tiến tiếng Việt được công bố hồi tháng 11 năm ngoái. Mới đây nhất, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ link các bài viết bằng tiếng Mường của báo Hòa Bình và cho rằng, đó là tiếng Việt cải tiến của PGS Bùi Hiền.
Nhiều người không ngại lên tiếng chỉ trích ngôn ngữ này, thậm chí có những bình luận không hay, mang tính phê phán không có căn cứ.
PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông.
“Tôi thấy nhiều người chê bai, số ít nghiên cứu và đọc đến nơi đến chốn”
Thưa PGS.TS, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày nay. Bản thân ông nhận thấy đâu là sự khác biệt của bộ sách này so với chương trình cơ bản trước đây?
Tôi có nghe qua và đọc nhiều bài bình luận về Bộ sách tiếng việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Bộ sách “nổi lên” ở sự thay đổi trước hết là 3 chữ “c”, “k”, “q”. 3 chữ này khác là do trong quyển sách đó dạy cách đánh vần khác trước. Khác ở chỗ trước kia chúng ta đi học, đánh vần “cờ” (c) “a” là “ca”, “k”, “i” là “ki”, “q”, “uốc” là “quốc”. Đầu tiên dùng chữ ghép với âm để ra một tiếng, chúng ta đã quen như thế và thấy nó không có vấn đề gì cả vì đã học mấy chục năm rồi. Nhưng bây giờ, thầy Đại lại thấy như thế là không hợp lý. Thực ra đấy là sự trùng lặp!
Thầy Đại đã bỏ cách đọc 3 chữ và chỉ dùng cách phát âm chung là “cờ” để ghép với nguyên âm đằng sau. Thế là hợp lý, âm với âm tạo ra tiếng. Về mặt khoa học và mặt ngữ âm học là rất chính xác.
Những người lớn tuổi quen cách đánh vần cũ nên khó chấp nhận. Còn trẻ con học theo kiểu của thầy Đại chính xác và nhanh hơn, đọc phát âm cái ra ngay. Phương pháp này rất tiến bộ, khoa học.
Đây không phải là sự ngẫu nhiên, mà thầy Đại đã thực nghiệm hàng chục năm, trở đi trở lại các lớp khác, trong trường thực nghiệm rồi ra ngoài trường thực nghiệm. Cuối cùng hội đồng khoa học của Bộ đã nghiệm thu và công nhận đây là một bộ sách có hiệu quả nên cho phép sử dụng tại những trường thực nghiệm. Và hiện nay trường nào có nhu cầu cũng sẽ đưa vào giảng dạy.
Chúng ta là những người lớn học theo kiểu cũ nên hơi cảm thấy có cái gì đó “chướng tai gai mắt”. Nếu muốn phản pháo thì nên tìm hiểu, còn nếu không thì… kệ!, chứ đừng có nói quá lời. Tôi thấy nhiều người chê bai, số còn lại nghiên cứu và đọc đến nơi đến chốn.
Nhiều người thậm chí còn chửi bới thầy Đại và… cả tôi dù 2 công trình nghiên cứu này tuy cùng ngành nhưng không hẳn là giống nhau. Điều này ảnh hưởng đến phong cách ứng xử trong xã hội, làm cho những người có tâm huyết với khoa học muốn có cải tiến gọi là đạt hiệu quả hơn trong công việc cũng chùn bước.
Tuy nhiên, thầy Đại đối mặt và trả lời báo chí rất đàng hoàng, nghiêm túc. Thầy không chùn bước bởi đấy là chân lý và tôi hoàn toàn nhất trí.
Thầy nhận xét như nào về cách đọc câu thông qua hình vuông, hình tròn và hình tam giác?
Thực ra phương pháp dạy này đã có từ lâu lắm rồi, quá trình thực nghiệm không phải 1, 2 năm mà hàng chục năm. Ngay từ những ngày đầu, thầy Đại đã dùng mô hình đó để dạy học. Theo đó, từng ô là một tiếng để bé biết cấu trúc của câu, một thời gian sau sẽ học chữ và đánh vần.
Mô hình này giúp các em nhớ cấu trúc, sau lắp vào câu thực sẽ biết chủ từ lắp vào chỗ này, bổ ngữ thì đặt chỗ kia. Thực chất đây là mô hình cấu tạo của câu, của tiếng chứ không phải của chữ. Nhiều người bảo sau này các bé viết chữ ra hình khối là hoàn toàn sai.
Những người phản bác cũng nên phản bác một cách có khoa học, chứ đừng thấy nó khác là ném đá. Tại sao làm thế không đúng, tại sao ngày xưa tôi không học mà tôi vẫn biết chữ, tại sao thời nay phải học khác đi? Bởi vì cách học này dễ hơn, nhanh hơn, các bé còn bớt ngọng và nhận mặt chữ chuẩn hơn. Chúng ta gọi đó là sự cải tiến và ý đồ của thầy Đại rất sâu sắc và cần thiết. Đừng phê phán cho rằng thầy ấy “cải lùi” giáo dục vì giáo dục cũng là một ngành khoa học, và không ai lại đi “cải lùi” khoa học cả.
PGS Bùi Hiền nói về việc dân mạng nhầm báo tiếng Mường sang cải tiến tiếng Việt của mình
Thưa PGS.TS, việc thầy bị cho là người soạn ra những tờ báo tiếng Mường thời gian này có ảnh hưởng gì tới cuộc sống và công việc của thầy không?
Tôi đã đọc những bài báo trên và khẳng định, đây là chữ Mường mới được sáng tạo và được Viện Ngôn ngữ học và tỉnh ủy Hoà Bình nghiệm thu. Khi sự việc lùm xùm thì đó cũng là lần đầu tiên tôi biết tới chữ của dân tộc Mường. Một người bạn đưa cho tôi xem và tôi đọc được ngay. Vấn đề là ở chỗ, chữ Mường mới được tạo ra trên nguyên tắc Nhà nước quy định việc sáng tạo các chữ viết cho dân tộc, dựa trên cơ sở chữ phổ thông (nghĩa là chữ quốc ngữ).
Họ gán bừa bài báo đó cho tôi, và tôi hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì. Có thể bây giờ Hoà Bình công bố nên nhiều người thấy chữ của tôi và của họ trông có vẻ giống nhau, ngồ ngộ nên cư dân mạng bảo đấy là chữ của tôi. Nhưng khác hoàn toàn.
Trang tin điện tử của báo Hoà Bình có ngôn ngữ tiếng Mường trông “na ná” chữ cải cách của thầy Bùi Hiền. Ảnh chụp màn hình.
Tự do ý kiến cần dựa trên cơ sở hiểu biết khoa hoc, chứ không nên dựa vào cảm tính. Một số người chưa đủ hiểu biết, chưa tìm hiểu mà lên tiếng phê phán. Cũng như bây giờ họ phán xét thầy Đại chỉ qua mấy phút, qua một khung hình với vài cái ảnh giáo viên dạy trẻ phát âm khác. Chỉ là anh hùng bàn phím nên họ chẳng cần tìm hiểu. Tại sao một số người không chịu nghiên cứu kỹ lưỡng chữ viết, chỉ mới thấy lạ mắt rồi cho phép mình nhận xét lung tung và phản đối? Lẽ ra bạn phải chúc mừng dân tộc Mường đã có chữ viết của riêng mình. Nếu không làm thế thì thôi, chứ ai cho các bạn quyền phê phán và bác bỏ quyền có chữ viết của dân tộc Mường và các dân tộc khác.
Tuy chữ Mường dựa vào chữ quốc ngữ nhưng nó phản ánh tiếng Mường. Vì cùng là chữ la tinh nên mới nhìn qua có vẻ giống nhau nhưng thực ra cách đọc khác nhau. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng, một quy ước riêng về ngôn ngữ, nên không thể giống nhau được.
Tôi đọc được hết bài báo tiếng Mường vì đó là chữ la tinh và tôi cũng hiểu được ý nghĩa bài báo. Bởi 2 thứ tiếng chung một cội nguồn cho nên ngày xưa (khoảng chục thế kỷ trước) gọi là tiếng Việt Mường.
Trước hết đó là quyền dân tộc, người ta sáng tạo và chấp nhận được thì người ngoài đừng có thay họ phán xét. Nếu bạn không học, không đọc thì thôi, chứ đừng thấy vì tiếng Mường không giống chữ Việt thì thi nhau ném đá. Như vậy là không tôn trọng.
Dân tộc Mường chấp nhận rồi, Chính phủ cho phép rồi, có cơ quan Khoa học thẩm định rồi thì họ có quyền đưa vào dạy cho con em. Tự do là của họ.
Thầy Hiền có thể chia sẻ mong muốn hiện tại và dự định sau này của thầy không?
Tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cải tiến Tiếng Việt dù chưa được đưa ra hội nghị Khoa học chuyên môn, chưa có ý kiến chính thống của các nhà khoa học. Có nhiều bình luận xung quanh công trình của tôi nhưng chưa cái nào thuyết phục được tôi thay đổi. Ngoài ra, tôi còn phải hoàn thiện thêm cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của bộ từ mới, tìm hiểu sâu thêm về “Chữ quốc ngữ là gì”?.
Tôi thực lòng mong muốn người dân, đồng nghiệp hiểu được cải tiến trong Tiếng Việt của tôi, sự đóng góp của thầy Đại cũng như các nhà khoa học khác. Chúng tôi vẫn sẽ luôn cố gắng dù có nhiều quan điểm khác nhau, ít ra làm thế nào để người dân quan tâm và phản bác một cách khoa học nhất.
Theo nguồn :kenh14.vn