Du Học Hàn Quốc Từ A Đến Z
Vậy tại sao nên đi du học Hàn Quốc? Đâu là những lưu ý cần biết về Luật du học Hàn Quốc, Chi phí, Visa, Thủ tục, Chọn ngành – Trường – Thành phố cũng như cơ hội học bổng khi đi du học Hàn Quốc? Bài viết chi tiết dưới đây, với thông tin được cập nhật, sẽ giúp bạn có hiểu biết toàn diện và sâu sắc từ A đến Z về du học tại sứ xở của Kim Chi, Tuyết Trắng và Idols này!
HIỂU ĐÚNG VỀ LUẬT 10.000 $ ÁP DỤNG NĂM 2020
– Đối với các trường thuộc top 1% visa thẳng và các trường được chứng nhận, không yêu cầu phải nộp sổ tiết kiệm trị giá 10.000$
– Đối với các trường không thuộc top 1% hoặc được chứng nhận, sinh viên yêu cầu mở sổ 10.000$, thời hạn 1 năm trong các ngân hàng Hàn Quốc có chinh nhánh tại Việt Nam. Sinh viên được rút tiền lần 1 sau 6 tháng nhập học tại trường, rút tiền lần 2 sau 6 tháng tiếp theo. Số tiền mỗi lần được phép rút là 5.000$.
DU HỌC HÀN QUỐC: NÊN HAY KHÔNG NÊN?
Có nên đi du học Hàn Quốc hay không? Du học Hàn Quốc có tốt không là điều mà nhiều du học sinh tương lai mới tìm hiểu về du học tại Hàn Quốc thường hay băn khoăn.
Bạn nên đi du học tại Hàn Quốc, nếu:
Quay ngược lại thời gian 10 năm trước, khái niệm du học thực sự xa xỉ và chỉ dành cho các gia đình có thu nhập cao. Các nước Thụy Sỹ, Úc, Anh, Mỹ, Canada hay New Zealand đều đòi hỏi số tiền trên 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng đầu tư cho mỗi du học sinh Việt Nam/1 năm khi đi du học. Tuy nhiên, từ khi du học tại Hàn Quốc chính thức ấm lên từ năm 2014, cánh cửa du học thực sự rộng mở cho nhiều ngàn học sinh, sinh viên có khao khát học tập và phát triển tại một quốc gia giàu có hàng đầu trên thế giới này.
Học phí thấp phù hợp với điều kiện kinh tế của sinh viên Việt Nam. Cơ hội việc làm lớn sau khi ra trường hoặc kết hợp đi du học Hàn Quốc vừa học vừa làm sẽ tốt hơn do mối quan hệ Việt – Hàn khăng khít hơn bao giờ hết. Học bổng dồi dào và hào phóng từ các trường đại học Hàn Quốc có thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế là các lý do chính bạn nên đi du học Hàn Quốc. Đó là chưa kể đến lý do, bạn trẻ nào cũng có một idol Hàn Quốc trong tim!
Bạn nên, và rất nên đi du học Hàn Quốc nếu yêu thích tiếng Hàn và văn hóa Hàn, khao khát một cơ hội học tập và tiến thân thực sự. Bên cạnh đó, bạn cũng mong muốn làm việc cho các công ty Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp. Hàn Quốc thực sự là cánh cửa mở ra thế giới nếu bạn học tập nghiêm túc và chăm chỉ.
Đừng đi du học tới Hàn Quốc, nếu:
Bạn chỉ muốn trải nghiệm văn hóa Hàn trong một thời gian ngắn, hay bạn đi du học Hàn Quốc theo trào lưu, hoặc nghe nói Hàn Quốc là mảnh đất kiếm tiền màu mỡ! Việc đi du học Hàn Quốc không xuất phát từ nguyện vọng học tập thật sự sẽ dễ khiến bạn lạc lối, ngay cả sau khi đã có visa và đã đến Hàn Quốc.
Du học tại Hàn Quốc là cơ hội lớn, nhưng có chọn lọc và thải loại. Vì vậy, hiểu rõ về du học Hàn Quốc từ A đến Z để đưa ra kết luận chính xác về việc mình có nên đi du học Hàn Quốc vừa học vừa làm hay không.
ĐIỀU KIỆN DU HỌC HÀN QUỐC
Điều kiện tuyển sinh du học Hàn Quốc là gì là một trong những câu hỏi được lặp đi lặp lại nhiều lần trên các diễn đàn du học, Điều kiện tuyển sinh du học Hàn Quốc có phải chỉ đơn giản dừng lại ở tiền? Hay còn những yêu cầu nào về sức khỏe, điểm số, tài chính mà bạn cần đáp ứng?
Điểm số, chuyên cần và lời phê trong học bạ
Một trong những yếu tố đầu tiên xác định bạn có đủ điều kiện tuyển sinh du học Hàn Quốc không, đó là điểm số, chuyên cần và lời phê về thái độ học tập của bạn trong học bạ THPT. Bên cạnh đó, nếu bạn đã tốt nghiệp các bậc học sau cấp 3, bảng điểm và bằng cấp chuẩn xác cũng là điều cần lưu ý.
– Để thuận lợi về việc chọn trường cũng như xin visa du học Hàn Quốc tự túc, điểm số các năm học nên từ 6.0 trở lên cho tất cả các bậc học. Nhóm trường visa du học Hàn Quốc thẳng sẽ yêu cầu sinh viên có điểm trung bình các năm học từ 6.5 trở lên. Đặc biệt, một số trường top đầu có thang điểm đầu vào cao hơn. Ví dụ, Đại học ChungAng, Hongik, Konkuk, Sejong và ĐHQG Chungnam, top 5 trường mã code visa thẳng quyền lực yêu cầu GPA từ 7.0 trở lên. Đại học quốc gia Busan, đặc biệt hơn, yêu cầu GPA từ 7.5 trở lên.
– Theo các trường Hàn Quốc, số buổi nghỉ học nên được giới hạn từ 4 đến 6 buổi cho cả 3 năm học. Nếu quá số buổi quy định này, sinh viên cần có giải trình thuyết phục về lý do tại sao nghỉ học. Điều nay bắt nguồn từ suy nghĩ của các trường Hàn Quốc, nếu bạn không chăm chỉ tại Việt Nam, bạn sẽ khó chăm chỉ khi đi du học Hàn Quốc tự túc.
– Nếu hai sinh viên có cùng điểm số và số buổi nghỉ học, nhưng một sinh viên có lời phê tích cực từ giáo viên chủ nhiệm, sinh viên khác có lời phê “xấu”, ví dụ: không hòa đồng, chưa chuyên cần hoặc lười học, chắc chắn trường Hàn Quốc sẽ lựa chọn sinh viên thứ nhất.
Yêu cầu về chứng minh tài chính du học Hàn Quốc là một trong những điểm mấu chốt của điều kiện du học Hàn Quốc. Có một thực tế khi xét hồ sơ, là nếu điểm GPA của học sinh hơi thấp hơn so với chuẩn, tài chính của phụ huynh sẽ là yếu tố quyết định sinh viên có được nhận vào trường hay không.
– Từ góc độ các trường đại học tại Hàn Quốc, Đại Sứ Quán Hàn Quốc và Tổng Lãnh Sự Quán Hàn Quốc, gia đình có đủ khả năng chứng minh tài chính du học Hàn Quốc cho con khi bố mẹ có công việc và thu nhập ổn định, có xác nhận rõ ràng của địa phương đang sinh sống, hoặc của chủ lao động.
Một số trường nêu rõ mức thu nhập cần đạt được. Ví dụ, Đại học Kookmin chỉ chấp nhận các hồ sơ tài chính có thu nhập từ 1,500 USD/tháng. Đại học Konkuk yêu cầu phụ huynh phải có đăng ký kinh doanh và giấy tờ thuế nếu công việc chính là kinh doanh. Đại học ChungAng đang đứng rất gần ngưỡng cửa yêu cầu mở sổ tiết kiệm trị giá 10.000 USD trong ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam từ kỳ 12.2019….
– Vậy du học Hàn Quốc khoảng bao nhiêu tiền?: Với trường thấp, học phí khóa tiếng là 4,000,000 won/năm, trường cao là 7,000,000 won/năm. Lưu ý là học phí các trường Seoul luôn đắt hơn các thành phố khác từ 20% đến 50%. Trong khi học phí trường công hay khối đại học quốc gia thấp hơn các đại học tư từ 30% đến 50%.
– Chi phí nhà ở và ăn uống: Du học Hàn Quốc hết bao nhiêu tiền? Để chủ động về kinh phí, phụ huynh cần chuẩn bị tối thiểu là 10 triệu đồng mỗi tháng cho con ăn ở và sinh hoạt. Lưu ý là mức sống và sinh hoạt phí tại Seoul sẽ cao hơn các thành phố khác như Busan, Daegu và Daejeon từ 50% đến 70%.
– Bảo hiểm sinh viên quốc tế: Một tin mừng là luật bảo hiểm mới đã không được thông qua như dự báo. Vì vậy, mỗi sinh viên Việt Nam khi đi du học Hàn cần chuẩn bị phí bảo hiểm tầm 100.000 Won đến 250.000 Won theo quy định và thông báo của trường Hàn Quốc mà sinh viên sẽ theo học.
Yêu cầu về sức khỏe
Nếu sinh viên mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Lao phổi hoặc HIV, sinh viên không thể xin visa du học Hàn Quốc để học tập.
Bạn đi du học, nên các vấn đề thể chất của bạn được tuyệt đối tôn trọng. Trường Hàn Quốc sẽ đánh giá học bạ, tài chính của bạn hơn là ngoại hình. Đây cũng là điểm khác giữa đi du học tại Hàn Quốc và đi xuất khẩu lao động.
Có cần “siêu” tiếng Hàn hay có chứng chỉ TOPIK?
Sinh viên khi đi du học tại Hàn Quốc theo visa D4-1, tức là visa học tiếng, không có yêu cầu trình độ tiếng Hàn nhất định. Tức là bạn không nhất thiết phải học hết giáo trình nào, hoặc có TOPIK, vì bạn sẽ bắt đầu tại Hàn Quốc như một sinh viên hệ tiếng và học lại từ A, B, C.
– Tuy nhiên, bạn cần thể hiện rõ quá trình chuẩn bị tiếng Hàn tại Việt Nam từ 4 đến 6 tháng. Các kỹ năng cần đạt được là: giao tiếp cơ bản bằng tiếng Hàn, sử dụng một số mẫu câu chuẩn Hàn, biết từ mới và ngữ pháp cho người bắt đầu. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn ngồi xuống phỏng vấn trường visa thẳng du học Hàn Quốc.
– Với các sinh viên quyết định chọn trường phỏng vấn tại Đại Sứ Quán Hàn Quốc hoặc Tổng Lãnh Sự Quán Hàn Quốc, sinh viên cần được luyện theo giáo trình học phỏng vấn chuẩn để tránh rủi ro bị trượt visa.
– Tuy không yêu cầu trình độ tiếng Hàn cụ thể, tức là sinh viên không bắt buộc phải nộp chứng chỉ tiếng Hàn khi đi du học Hàn Quốc theo hệ tiếng, nhưng nếu có chứng chỉ TOPIK, sinh viên sẽ được ưu tiên và hồ sơ được cộng điểm khi xét duyệt, đặc biệt khi nộp vào các trường lớn như ChungAng, Hongik hay Sejong.
THỦ TỤC ĐI DU HỌC HÀN QUỐC
Có ba thủ tục quan trọng bạn cần lưu ý khi đi du học tại Hàn Quốc: thủ tục xin thư mời học từ trường Hàn Quốc, thủ tục chứng minh tài chính và thủ tục xin visa. Cùng tìm hiểu từng thủ tục này như sau.
Thủ tục xin thư mời học hoặc mã code
Có ba nhóm trường chính cho bạn lựa chọn: Trường visa thẳng du học Hàn Quốc dạng mã code, Trường visa thẳng du học Hàn Quốc dạng thư mời và Trường visa phỏng vấn.
Theo đó, trường visa thẳng dạng mã code là visa của bạn đã được xin tại cục xuất nhập cảnh Hàn Quốc và gửi về Việt Nam cho bạn dán tem visa tại Đại Sứ Quán hoặc Tổng Lãnh Sự. Trường visa thẳng dạng thư mời, là trường thuộc top 1% cấp thư mời cho bạn để xin visa. Visa sẽ được trả thẳng tại Đại Sứ Quán Hàn Quốc tại Hà Nội, nhưng phỏng vấn bình thường tại Tổng Lãnh Sự Quán TPHCM. Trường visa phỏng vấn, là trường không thộc top 1%, sẽ gửi thư mời về để bạn nộp hồ sơ và phỏng vấn xin visa tại Đại Sứ Quán và Tổng Lãnh Sự.
Bước 1: Hoàn thiện hồ sơ gửi sang trường Hàn Quốc mà bạn muốn theo học.
Bước 2: Gặp gỡ trực tiếp hoặc phỏng vấn qua mạng với trường Hàn Quốc bạn muốn xin học.
Bước 3: Nhận hóa đơn đóng tiền từ trường và nộp tiền sang trường để lấy thư mời hoặc mã code visa.
Bước 4: Nhận thư mời gốc hoặc mã code để tiến hành xin visa tại Đại Sứ Quán hoặc Tổng Lãnh Sự.
Bước 5: Nếu bạn chọn trường mã code, bước tiếp theo sẽ là nộp hồ sơ và chờ lấy kết quả sau 1 đến 2 tuần. Nếu bạn chọn trường ra thư mời phỏng vấn, bạn cần được luyện phỏng vấn chi tiết để tránh rủi ro trượt visa.
Chứng minh tài chính: hiểu một cách toàn diện là cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan đến công việc, thu nhập và tài sản tích lũy của người bảo lãnh tài chính cho du học sinh, có thể là cha mẹ hay anh chị, để chứng minh rằng người bảo lãnh có đủ khả năng chu cấp cho con/em mình trong suốt quá trình đi học.
Vậy chứng minh tài chính gồm các loại giấy tờ nào?
Xác nhận công việc và thu nhập
Xác nhận công việc và thu nhập của người bảo lãnh được hiển thị qua các giấy tờ sau: xác nhận công việc và bảng lương do chủ lao động xác nhận, xác nhận công việc và thu nhập do chính quyền địa phương xác nhận, đăng ký kinh doanh, giấy tờ thuế …
Với các trường visa thẳng top đầu, đặc biệt là nhóm trường ở Seoul như ChungAng, Konkuk hay Hongik, sự minh bạch về giấy tờ tài chính là yêu cầu hàng đầu. Vì vậy, du học sinh tương lai và gia đình cần được hướng dẫn chi tiết và cụ thể để có một bộ hồ sơ hoàn thiện, đúng quy cách của trường trước khi nộp vào.
Để sổ tiết kiệm bao lâu và trị giá bao nhiêu tiền?
Theo quy định của Đại Sứ Quán và Tổng lãnh sự, sinh viên D4-1 cần cung cấp sổ tiết kiệm trị giá 9.000 USD trở lên, thời hạn gửi sổ tính đến ngày nộp là 6 tháng. Sinh viên D2 cần sổ tiết kiệm 20.000 USD trở lên, thời hạn gửi sổ tính đến ngày nộp hồ sơ là 3 tháng.
Từ kỳ bay tháng 12.2019, một số trường đại học lớn tại Hàn Quốc như Đại học ChungAng yêu cầu sinh viên phải gửi sổ ngân hàng Hàn Quốc với trị giá sổ là 10.000 USD, sổ được mở trước 3 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ, và cần duy trì tối hiểu hai kỳ học tính từ ngày sinh viên nhập học.
Cũng theo một số dự thảo luật mới, từ tháng 10.2019, sinh viên nộp hồ sơ vào các trường đại học không được chứng nhận bởi Bộ Giáo Dục Hàn Quốc sẽ phải đóng băng tài khoản 10.000 USD trong các ngân hàng Hàn Quốc có trụ sở tại Việt Nam. Vì vậy, cần xác định rõ trường bạn nộp vào là trường được hay không được chứng nhận.
Tài sản tích lũy bổ sung
Được hiểu là điểm cộng cho hồ sơ xin visa du học Hàn Quốc, tài sản tích lũy bổ xung gồm giấy tờ xe, sổ đỏ, giấy tờ tàu, thuyền, giấy tờ đóng cổ phần. Những giấy tờ này sẽ giúp trường đại học Hàn Quốc, đặc biệt là top trường visa thẳng có nhìn nhận chắc chắn hơn về năng lực tài chính của gia đình học sinh.
Thủ tục xin visa du học Hàn Quốc
Xét về mặt giấy tờ, thủ tục xin visa du học tại Đại Sứ Quán Hàn Quốc tại Tổng Lãnh Sự Quán Hàn Quốc tại TPHCM không có nhiều điểm khác biệt. Điểm khác biệt lớn nhất là thời gian chờ đợi. Tại TPHCM, sinh viên được trả visa sau 1 tuần nếu nộp mã code, sau 1 tháng nếu nộp bằng thư mời. Thời gian này tại Hà Nội là 2 tuần với mã code và 2 tháng trở lên với thư mời.
Tại cả hai miền, hồ sơ xin visa nộp cùng với mã code được đặc biệt tối giản, chỉ còn 5 giấy tờ chủ đạo. Riêng với thư mời thẳng, tại Hà Nội hồ sơ chuẩn bị như hồ sơ nộp với mã code, trong khi tại TPHCM, thư mời thẳng hay phỏng vấn đều nộp đủ bộ hồ sơ với hơn 10 hạng mục được quy định.
HỒ SƠ XIN VISA DU HỌC HÀN QUỐC
Các giấy tờ cần chuẩn bị
Một bộ hồ sơ xin visa du học Hàn Quốc hoàn chỉnh cần đảm bảo cung cấp đủ các giấy tờ sau:
– Mẫu đơn xin visa.
– Thư mời nhập học gốc/mã code và đăng ký kinh doanh gửi từ trường Hàn Quốc.
– Các giấy tờ cá nhân của người xin visa.
– Giấy tờ tài chính, xác nhận công việc, thu nhập của người bảo lãnh tài chính.
– Xác nhận không bị lao phổi cấp bởi bệnh viện được chỉ định.
– Phí xin visa là 50 USD.
* Lưu Ý: Đại Sứ Quán và Tổng Lãnh Sự Quán không chấp nhận bên thứ hai đứng ra nộp hộ hồ sơ xin visa du học, vì vậy, du học sinh phải là người cầm hồ sơ đi nộp trực tiếp.
Nếu bạn chọn trường phỏng vấn
– Nếu bạn quyết định chọn trường phỏng vấn thay vì visa thẳng, việc luyện phỏng vấn một cách bài bản là điều tuyệt đối cần làm để đảm bảo không bị trượt visa.
– Du Học MAP bật mí cùng bạn, là học phỏng vấn không quá khó nếu bạn có bộ giáo trình chuẩn luyện phỏng vấn. Tại MAP, du học sinh phỏng vấn đều được luyện 1-1 với giáo viên Việt Nam và Hàn Quốc trong suốt nhiều tháng để đảm bảo tối đa hóa cơ hội đỗ phỏng vấn.
Ba lưu ý cho ngày nhận visa
– Giữ gìn giấy hẹn trả kết quả cẩn thận, và mang theo cùng CMND gốc khi đi nhận visa.
– Giữ thái độ chừng mực, lịch sự, ăn mặc gọn gàng chuẩn học sinh – sinh viên khi đi nhận visa.
– Để đảm bảo thông tin cá nhân, cần giữ gìn visa cẩn thận và không chia sẻ ảnh chụp visa rõ nét đầy đủ các thông số và thông tin cá nhân đưa lên mạng hay internet.
* Lưu Ý: Nếu bạn không may bị trượt phỏng vấn vì lỗi tiếng yếu, bạn có thể luyện tập thêm để nộp lại hồ sơ xin visa sau 3 tháng. Ghi nhớ! Trời không sập nếu bạn trượt visa, chỉ cần bền chí và chăm chỉ, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
BA QUY ĐỊNH MỚI VỀ LÀM THÊM KHI DU HỌC HÀN QUỐC
Trước hết, cần xác định bạn sẽ đi du học chứ không phải xuất khẩu lao động. Vì vậy, cả chính phủ Hàn Quốc và các trường đang ngày càng chọn lọc khắt khe để loại bỏ các học sinh mượn cớ đi du học để làm chui, hoặc bỏ ra ngoài làm bất hợp pháp.
Theo luật pháp Hàn Quốc, sinh viên quốc tế có thể được du học Hàn Quốc vừa học vừa làm, được đi làm 20h/tuần trong thời gian học, và toàn thời gian trong kỳ nghỉ. Nếu làm việc ngoài thời gian, hoặc làm việc không có giấy tờ hợp lệ, sinh viên quốc tế có thể bị trục xuất về nước.
Khi nào du học sinh được đi làm thêm?
Sinh viên quốc tế theo hệ tiếng tại Hàn Quốc được du học Hàn Quốc vừa học vừa làm sau 6 tháng học, trong khi sinh viên visa D2 được đi làm ngay. Việc cho sinh viên hệ tiếng D41 đi làm thêm sau 6 tháng là khoảng thời gian phù hợp để du học sinh trau dồi vốn tiếng Hàn và quen với việc bố trí thời gian học – làm phù hợp.
Du học sinh được làm việc gì?
Hai việc làm thêm mới bị cho vào danh sách cấm là làm xưởng nặng nhọc và làm xây dựng. Nếu bị bắt, sinh viên sẽ bị trục xuất về nước sau 3 ngày và không được xem xét cơ hội thứ hai.
Các công việc phổ biến cho học sinh Việt Nam du học Hàn Quốc vừa học vừa làm là: rửa bát, phục vụ nhà hàng, bán sâm – linh chi – đặc sản Hàn Quốc.
Mức lương làm thêm
Với quy định mới năm 2019, khi du học Hàn Quốc vừa học vừa làm mức lương mà sinh viên quốc tế nhận được là 8.350 Won/giờ, hay 170.000 VND/giờ.
Theo thời gian làm thêm cho phép và mức lương như trên, du học sinh có thể tự chi trả chi phí sinh hoạt và các phụ phí khác. Việc hy vọng đi du học Hàn Quốc có thể làm giàu và gửi về mỗi tháng 40 đến 50 triệu đồng là không có cơ sở.
NHỮNG LƯU Ý KHI CHỌN TRƯỜNG VÀ CHỌN NGÀNH DU HỌC HÀN QUỐC
Chọn trường sao cho đúng
Chọn trường nào và ngành nào là câu hỏi “đau đầu” nhiều du học sinh Hàn Quốc. Chọn trường mình thích hay chọn trường hợp tài chính gia đình? Chọn trường theo khu vực hay chọn trường theo ngành học?
– Chọn trường và khả năng tài chính
Vì bố mẹ sẽ là người chi trả cho việc học của bạn, nên chọn trường cần phù hợp với “túi tiền” của cha mẹ. Nếu tài chính không mạnh, nghề nghiệp của bố mẹ khó xin xác nhận và không có giấy tờ chứng minh rõ ràng, bạn nên tránh nộp vào các trường top đầu như ChungAng hay Konkuk.
Bên cạnh đó, các trường Seoul cũng có mức học phí cao hơn Busan, Daegu hay Daejeon từ 30% đến 50%. Vì vậy, nếu tài chính không cho phép, bạn nên chọn các trường đại học công, hoặc các thành phố khác ngoài khu vực Seoul.
– Cân nhắc giữa visa thẳng và visa phỏng vấn
Nhiều du học sinh lầm tưởng trường visa thẳng sẽ tốt hơn trường visa phỏng vấn. Về bản chất, trường visa thẳng chỉ giúp học sinh yên tâm hơn và hạn chế rủi ro trượt visa. Tuy nhiên, nếu bạn học tập đúng theo lộ trình được vạch ra rõ ràng, trường phỏng vấn là một lựa chọn kinh tế hơn hẳn.
– Mỗi trường đều có một ngành thế mạnh
Nhắc đến Du lịch khách sạn, bạn sẽ nghĩ ngay đến Đại học Sejong. Nhắc đến Truyền thông, Đại học ChungAng. Cũng giống như sinh viên mê trang điểm sẽ xin vào Seokyeong, mê nghệ thuật – thiết kế sẽ tìm đến Hongik. Đại học Konkuk nổi trội về khối ngành kinh tế.
Mỗi trường đại học của Hàn Quốc đều nổi bật với một thế mạnh đào tạo mũi nhọn. Vì vậy, tìm đúng ngành mũi nhọn là điểm lưu ý khi chọn trường.
– Seoul, Busan, Daegu, Deajeon hay thành phố khác?
Theo quan sát của Du Học MAP, sinh viên hay chọn thành phố du học theo cảm tính và mối quan hệ cá nhân. Ví dụ, bạn chọn Seoul vì có người nhà, người quen, bạn chọn Busan vì là quê hương của idol mà mình yêu thích. Có bạn lại chọn Daejeon chỉ vì “nghe nói” nhiều việc làm thêm.
Dù lý do chọn thành phố là gì đi chăng nữa, cần có sự tìm hiểu chi tiết về khu vực mình sẽ đến. Các yếu tố như mức sống, mật độ dân cư, các trường đại học tốt là ba đặc điểm đầu tiên cần hiểu kỹ trước khi quyết định lựa chọn.
Chọn ngành sao cho chuẩn
– Cần phải nói ngay, nếu bạn đi du học Hàn Quốc, bạn được chính thức chọn ngành học sau 1 đến 2 năm học tiếng Hàn tại Hàn Quốc. Vì vậy, trước mắt cần chọn một trường tiếng tốt để đạt TOPIK cao nhất trong khả năng trước khi lên chuyên ngành.
– Các nhóm ngành “hot” đang được nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn trong 3 năm trở lại đây là: Du lịch khách sạn, Truyền thông, Quản trị kinh doanh, Thiết kế, Nghệ thuật, Công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, các ngành Nghệ thuật, Âm nhạc, Kiến trúc cũng là nhóm ngành đang nổi trong 1 năm trở lại đây.
HIỂU VỀ HỌC BỔNG DU HỌC HÀN QUỐC
– Học bổng cho sinh viên học tiếng Hàn
Nếu là sinh viên hệ tiếng Hàn, bạn sẽ có học bổng sau kỳ học thứ nhất, kéo dài 10 tuần, dựa trên kết quả thi lên lớp. Học bổng dao động từ 100.000 Won đến 400.000 Won tùy theo vị trí nhất, nhì hay ba mà bạn đạt được trong lớp.
– Học bổng cho sinh viên Đại học và sau Đại học
Hoc bổng chuyên ngành được cấp dựa trên điểm TOPIK và GPA đầu vào của sinh viên, trong đó, TOPIK chiếm vài trò quan trọng hơn.
Yêu cầu tối thiểu đầu vào hệ đại học tại Hàn Quốc là TOPIK 3, hệ sau đại học là TOPIK 4. Vì vậy, để lấy học bổng, sinh viên cần chuẩn bị TOPIK 4 hoặc TOPIK 5 trở lên với hệ đại học và sau đại học.
– Học bổng 100% học phí, hệ tiếng Anh
Bên cạnh “săn” học bổng du học Hàn Quốc bằng chứng chỉ TOPIK, sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh, và có nguyện vọng du học Hàn Quốc bằng tiếng Anh cũng có cơ hội học bổng từ 50% đến 100% học phí.
Các nhóm ngành có học bổng hệ tiếng Anh khi du học Hàn là Quản trị kinh doanh, Tài chính, Marketing, Truyền thông, Công nghệ, Du lịch khách sạn và Quản trị.
CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ DU HỌC HÀN QUỐC
– Du học Hàn Quốc bao nhiêu năm: Thời gian cho khóa đào tạo tiếng là 1 năm, chương trình ĐH kéo dài 4 năm.
– Hồ sơ du học Hàn Quốc cần chuẩn bị những gì: Các bạn tham khảo bài viết của Du học MAP tại đây: Chuẩn Bị Hồ Sơ Du Học Hàn Quốc
– Nên mang gì khi đi Du học Hàn Quốc: xem Tại đây!
– Phí xin visa du học Hàn Quốc là bao nhiêu: 50 USD
– Cách kiểm tra kết quả visa du học Hàn Quốc như thế nào: chuẩn bị thông tin hộ chiếu của người xin visa và tra cứu tại: http://bit.ly/2M51VCW
– Nếu trượt visa du học Hàn Quốc: sinh viên được phép nộp lại hồ sơ xin visa du học Hàn Quốc sau 06 tháng kể từ ngày bị trả kết quả trượt
– Mẫu đơn xin visa du học Hàn Quốc có thể lấy ở đâu: Mẫu đơn xin visa có thể lấy trực tiếp tại Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM
– Câp nhật thông tin xin visa tại đâu: Trang web chính thức của Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam và Trang web chính thức của Tổng lãnh sự quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam
hy vọng qua bài viết này, các bạn có kiến thức nền chính xác để trả lời câu hỏi du học Hàn có thực sự là lựa chọn cho mình hay không? Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Mỗi ngày, 50% chuyến bay quốc tế đều từ Hàn Quốc. Hãy đừng là người bị bỏ lại bởi cơn bão của sự thịnh vượng mang tên du học Hàn này!